Tăng cường quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học để làm rõ vai trò, trách nhiệm tham gia quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo (ĐMST) để cùng thúc đẩy phát triển đồng bộ và toàn diện Hệ thống ĐMST quốc gia.
Ngày 30/11/2023, tại trụ sở Bộ KH&CN, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ tổ chức Hội thảo “Đổi mới sáng tạo và quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo”.
Hội thảo nhằm chia sẻ, cung cấp thông tin quản lý nhà nước về ĐMST; xác định một số vấn đề trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về ĐMST và đề xuất định hướng công tác này của Bộ KH&CN trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo.
Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh, cùng lãnh đạo và chuyên viên của các đơn vị trong Bộ KH&CN.
Hội thảo “Đổi mới sáng tạo và quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo”.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, ĐMST và quản lý nhà nước về ĐMST đã được thể hiện trong nhiều hoạt động của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và người dân, cũng như trong các hoạt động quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. ĐMST và phát triển Hệ thống ĐMST quốc gia là một nội dung quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII và trong một số văn bản của Đảng và Chính phủ.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN trong đó có quy định “Bộ KH&CN là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KH&CN, bao gồm: hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”, Bộ KH&CN đã có nhiều hoạt động tích cực để tăng cường quản lý nhà nước về ĐMST.
Đặc biệt, Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 02/6/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN đã cụ thể hóa hơn chức năng của Bộ KH&CN là “Cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo.
Vì vậy, trong giai đoạn mới, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST, kịp thời giải quyết các bất cập, tồn tại nêu trên, Hội thảo “Đổi mới sáng tạo và quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo” góp phần thống nhất về các luận cứ khoa học và các nội dung chính của hoạt động ĐMST cũng như quản lý nhà nước về ĐMST. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng cần chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học để làm rõ vai trò, trách nhiệm tham gia quản lý nhà nước về ĐMST để cùng thúc đẩy phát triển Hệ thống ĐMST quốc gia một cách đồng bộ và toàn diện, thể hiện vai trò, vị thế và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về ĐMST của Chính phủ nói chung và Bộ KH&CN nói riêng, từng bước thể chế hóa hoạt động quản lý nhà nước về ĐMST.
Các báo cáo tham luận được trình bày tại Hội thảo gồm: ĐMST và quản lý nhà nước về ĐMST; Kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐMST; Quản lý nhà nước Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; Vai trò của tiêu chuẩn và giới thiệu bộ tiêu chuẩn quản lý ĐMST ISO-56000; Một số vấn đề đặt ra với quản lý nhà nước về ĐMST ở các địa phương.
Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã chia sẻ thông tin về “Đổi mới sáng tạo và quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo”. Theo đó, ĐMST có hai đặc trưng là tính mới và tính ứng dụng, ĐMST luôn gắn với KH&CN, ĐMST là bước tiếp theo đưa sản phẩm KH&CN ra thị trường. Cần thống nhất khái niệm, đặc tính và phân loại ĐMST cũng như phân biệt ĐMST với sáng tạo, sáng chế, khởi nghiệp ĐMST… Bên cạnh đó là một số vấn đề cần quan tâm trong quản lý nhà nước về ĐMST như: hệ thống ĐMST quốc gia của Việt Nam còn yếu và đang hoàn thiện; hệ thống pháp luật hiện nay chưa sẵn sàng cho thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm mới cũng như các mô hình kinh doanh mới dựa trên ĐMST. Việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển hiện tại không phải là giải pháp chiến lược mà cần thêm một loạt các yếu tố bổ trợ để các dự án ĐMST thành công.
Ông Nguyễn Mai Dương nhấn mạnh, ĐMST chính là cầu nối để đưa KH&CN vào phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, qua đó giúp Việt Nam chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng. Làm nổi bật vai trò, vị thế của cơ quan quản lý nhà nước về ĐMST, khẳng định vai trò, vị thế của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN trong thời gian tới. Do vậy, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động ĐMST cần xác định các ngành, lĩnh vực trọng tâm để đầu tư ĐMST. Quản lý nhà nước về hệ thống ĐMST quốc gia phải đánh giá thông qua bộ chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) và bộ chỉ số ĐMST địa phương (PII) và theo cấp độ của quốc gia, vùng.
Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phát biểu.
Phiên thảo luận của Hội thảo dưới sự điều phối của Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh, đại diện các đơn vị trong Bộ đã cùng trao đổi, làm rõ các vấn đề về ĐMST. Các ý kiến, trao đổi, thảo luận đều cho rằng, nội dung về ĐMST không phải là vấn đề mới, mà đã được quy định tại Luật KH&CN năm 2013, cũng như đã được triển khai thành công trong nhiều hoạt động, nhiệm vụ của Bộ KH&CN thời gian qua như: Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia” (Đề án 844), Chương trình “Đối tác ĐMST Việt Nam – Phần Lan (IPP), Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN (FIRST)… Vấn đề đặt ra là, cần xác định rõ nội hàm, khái niệm về ĐMST để đưa vào Luật KH&CN sửa đổi. Để triển khai chính sách về ĐMST thì hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ là rất quan trọng. Bên cạnh cơ chế chính sách cần có nguồn lực để triển khai nhiệm vụ cụ thể, trong đó rất cần chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, áp dụng phù hợp với Việt Nam. Do vậy, Bộ KH&CN cần sớm ban hành các quy định để thống nhất cách sử dụng các thuật ngữ và thống nhất quản lý nhà nước cho các đối tượng và các hoạt động ĐMST và khởi nghiệp ĐMST. Các trao đổi đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, đóng góp vào việc sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH,CN&ĐMST trong giai đoạn tiếp theo, trong đó trọng tâm là Luật KH&CN đang được chuẩn bị sửa đổi trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KH&CN trong thời gian tới cần: tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động ĐMST, hiểu rõ các nội hàm về ĐMST và cơ chế thử nghiệm ĐMST; Kiện toàn chính sách về ĐMST; làm rõ khởi nghiệp ĐMST và ĐMST; thúc đẩy ứng dụng KH&CN tạo ra sản phẩm mới, nâng cao năng suất của doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp KH&CN và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh điều phối phiên thảo luận tại Hội thảo.
Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, với các chia sẻ và trao đổi thẳng thắn cho thấy việc thiếu thống nhất về nội hàm của ĐMST cùng với sự xuất hiện nhiều sản phẩm, dịch vụ mới trong bối cảnh công nghiệp 4.0 đang tạo ra sự thiếu đồng bộ về chính sách, chồng chéo về quản lý, phân tán về nguồn lực, thậm chí tạo ra sự lúng túng trong quản lý và thúc đẩy hệ thống ĐMST quốc gia. Các thông tin được tổng hợp từ hội thảo hôm nay cũng như các hội thảo sắp tới là tiền đề quan trọng để định hình cho sự phát triển KH,CN&ĐMST của Bộ. Việc thống nhất nhận thức quản lý nhà nước về ĐMST và định hướng phát triển hệ thống ĐMST quốc gia cần được lan toả đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ nói riêng và toàn xã hội nói chung. Đây là nhiệm vụ cấp thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trước hết cho việc sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN và các Luật khác do Bộ chủ trì cũng như đóng góp ý kiến cho các quy định có liên quan đến ĐMST của các Bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng tin rằng, với sự vào cuộc chủ động, trách nhiệm của các đơn vị, của toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ KH&CN, Bộ KH&CN sẽ triển khai nhanh và hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về ĐMST mà Chính phủ giao.2
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ