Lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghiên cứu khoa học – Khóa 2 tham quan thực tế tại Viện VKIST

Nền kinh tế – xã hội Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình đòi hỏi sự cải tiến đáng kể trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để có thể tiếp tục duy trì và phát triển những nghiên cứu xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, việc các nhà nghiên cứu cần phải được và tự trang bị các kỹ năng cần thiết để sáng tạo, giới thiệu, quản lý và tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để theo đuổi và phát triển công trình nghiên cứu của mình là vô cùng quan trọng.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Trần Văn Nghĩa đã giới thiệu chức năng, nhiệm vụ của Học viện, những thành tích và quy mô tổ chức các Lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghiên cứu khoa học hiện nay. Mục đích, ý nghĩa chuyến đi thực tế của khóa học; những nhận thức cần phải nắm được trong việc gắn lý luận với thực tế quản lý khoa học trong xử lý công việc của học viên.

3

Toàn cảnh buổi ngoại khóa

PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện VKIST đã giới thiệu đến các học viên về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, hoạt động của Viện VKIST; những thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm thực tiễn về quản lý khoa học, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, với những chia sẻ về cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó, chú trọng việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

vt

PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện VKIST chia sẻ tại buổi ngoại khóa

Viện trưởng VKIST chia sẻ: VKIST là cầu nối để chuyển giao công nghệ Việt Nam và Hàn Quốc. Dự án được đầu hơn 70 triệu đô từ hai quốc gia nhằm thực hiện các nghiên cứu dựa trên nhu cầu thực tế, chia sẻ lợi nhuận và đảm bảo tính cạnh tranh.

VKIST có 8 lĩnh vực nghiên cứu chính gồm: công nghệ sinh học, cơ điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ tích hợp, công nghệ năng lượng và môi trường, vật liệu tiên tiến, công nghệ thực phẩm và kỹ thuật y sinh. Trong đó, với Công nghệ sinh học, Viện hướng tới đưa dược liệu Việt Nam vươn tầm thế giới. VKIST đã có đơn xin cấp bằng sáng chế tại Hàn Quốc và Hàn Quốc cho nhiều giải pháp của mình. Trong lĩnh vực Cơ điện tử, VKIST cũng phát triển các động cơ có hiệu suất cao hay các giải pháp thông minh trong dịch vụ y tế, hỗ trợ chẩn đoán, y tế ảo… trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Với Công nghệ tích hợp, đơn vị đưa ra nhiều giải pháp về cảm biến.

Về Công nghệ môi trường năng lượng, Viện tập trung vào các nguyên tố đất hiếm và lithium hay tái chế nông sản thành các sản phẩm chất lượng cao. Theo tiêu chí kéo gần khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học và thực tế, Viện cũng có giải pháp toàn diện để xử lý hiện trạng nước ngập mặn, nhiễm phèn, đã ứng dụng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên thực tiễn, các vấn đề nghiên cứu hiện nay của Việt Nam đang tương đối cách xa với nhu cầu thị trường. Do đó, Viện hướng tới mục tiêu cần kéo gần khoảng cách giữa kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tế, các sản phẩm đã hoàn thiện được đưa vào ứng dụng, đưa sản phẩm đến gần với khách hàng, nhà đầu tư và đối tác phù hợp.

2

Sau khi nghe báo cáo của PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện VKIST, các học viên của lớp đã trao đổi và đặt các câu hỏi nhằm tìm hiểu sâu hơn về các cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Mọi câu hỏi cũng đã được Viện trưởng VKIST giải đáp cụ thể dựa trên tình hình thực tế Viện đang triển khai.

Chuyến đi thực tế đã đem lại những kiến thức thực tiễn bổ ích là cơ hội để các học viên cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm. Qua chuyến đi thực tế này, các học viên có thể hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng thu nhận được từ để bổ trợ cho công tác chuyên môn của các học viên.

Cũng trong lần đi thực tế này, đoàn đã tham quan các khu nghiên cứu của Viện.

4

Các học viên chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo Viện VKIST & Học viện

Nguồn VKIST