Khóa đào tạo trực tuyến về “Công cụ thiết kế, giám sát và đánh giá các chương trình khoa học và công nghệ” của Ngân hàng Thế giới.
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) và Ngân hàng thế giới (NHTG), từ ngày 25-28/5/2020, hai bên đã phối hợp tổ chức khóa đào tạo trực tuyến “Công cụ thiết kế, giám sát và đánh giá các chương trình khoa học và công nghệ”. Đây là chương trình đào tạo được hai bên thiết kế và triển khai sau khi phía NHTG đã có nghiên cứu, đánh giá về các chương trình KH&CN quốc gia.
Nội dung của khóa học tập trung vào công cụ khung logic và công cụ giám sát và đánh giá (Logical Framework và M&E) và ứng dụng thực hành trực tiếp với dữ liệu của các chương trình KH&CN quốc gia. Giảng viên khóa học là Giáo sư Juan Rogers, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Trường Chính sách công, Viện Công nghệ Geogria, Hoa Kỳ; Trợ giảng lớp học là bà Asya Akhlaque, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng thế giới, Trưởng nhóm Dự án hợp tác giữa Ngân hàng thế giới và Bộ KH&CN.
Khóa học đã thu hút sự tham gia của hơn 20 học viên là đại diện các đơn vị quản lý các chương trình KH&CN quốc gia và một số cán bộ quản lý của Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo thuộc Bộ KH&CN. Khóa học đã diễn ra hết sức nghiêm túc, nhiều trao đổi thảo luận và chia sẻ giữa các học viên và giảng viên tại các thảo luận nhóm về sử dụng khung logic để thiết kế các chương trình KH&CN và xây dựng các chỉ tiêu giám sát, đánh giá chương trình.
Quang cảnh khóa đào tạo trực tuyến
Thông tin tiếp nhận phản hồi sau khóa học cho thấy các học viên đánh giá rất cao về nội dung khóa học mặc dù khóa học được tổ chức theo hình thức trực tuyến, các học viên cũng mong muốn trong thời gian tới Bộ KH&CN tiếp tục tổ chức các khóa học tương tự, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả cho khóa học cũng như áp dụng các tri thức của khóa học vào thực tiễn trong việc thiết kế, giám sát và đánh giá các chương trình KH&CN.
Phát biểu bế mạc Khóa đào tạo, bà Steffi Stallmeister, Giám đốc Điều hành Ngân hàng thế giới tại Việt Nam chỉ rõ: “Chúng tôi cho rằng chương trình nghị sự về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là rất quan trọng đối với Việt Nam giai đoạn tới khi theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo. Khi cú sốc kinh tế hậu COVID-19 tiếp tục lan rộng trên toàn cầu và có tác động đến Việt Nam thì tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ nhằm phục hồi kinh doanh cũng như tăng trưởng sản xuất càng được nhấn mạnh”.
Đổi mới sáng tạo là một lĩnh vực ưu tiên mà Ngân hàng thế giới đang tham gia và rất vui mừng khi ngoài Báo cáo Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được hoàn thiện nhằm hỗ trợ Bộ KH&CN xây dựng Chiến lược Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo giai đoạn 10 năm tới, chúng tôi cũng có thể tập trung vào việc triển khai các khuyến nghị thông qua hoạt động xây dựng năng lực như triển khai khóa đào tạo này.
Đổi mới sáng tạo là một chủ đề đa chiều và đan xen giữa các Bộ, ngành. Với vai trò xây dựng chiến lược, điều phối, giám sát và đánh giá hoạt động Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, chúng tôi hy vọng khóa đào tạo này có thể được xem như khóa đào tạo giảng viên đầu tiên (TOT) về các nội dung thiết kế, giám sát và đánh giá các chương trình KH&CN và các kiến thức này sẽ được lan tỏa đến các Bộ, ngành khác.
Thay mặt Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Đơn vị đầu mối của Bộ KH&CN tổ chức khóa đào tạo, ông Phạm Văn Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN đã cảm ơn sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới trong Dự án hợp tác giữa Bộ KH&CN với NHTG nói chung và trong khóa đào tạo này nói riêng. Ông Hồng cho rằng mặc dù khóa đào tạo ngắn và qua hình thức trực tuyến nhưng khối lượng kiến thức các học viên thu hoạch được là khá tốt và hy vọng các kiến thức này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc thiết kế, giám sát và đánh giá các chương trình KH&CN trong thời gian tới.
Đại diện các đơn vị chụp ảnh lưu niệm
Nguồn VISTI