Chính sách và quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế tuần hoàn
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Bùi Thế Duy – Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS.TS. Hoàng Minh – Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN; Giáo sư Calum J. Drummond – Phó Phó Hiệu trưởng về nghiên cứu và đổi mới, Phó Chủ tịch của Trường Đại học RMIT, Australia; PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện một số viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các diễn giả đến từ các tổ chức nghiên cứu, trường đại học ở một số nước ASEAN.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, chưa bao giờ có sự đồng thuận toàn cầu mạnh mẽ như hiện nay về nhu cầu thay đổi mô hình kinh tế từ tuyến tính sang tuần hoàn. Theo Thứ trưởng, cam kết giảm phát thải bằng không được đưa ra tại COP26 ở Glasgow cùng với việc lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã đánh dấu định hướng chính rõ ràng trong các chính sách của Việt Nam về kinh tế tuần hoàn. Theo đó, mục tiêu và định hướng nhiệm vụ trọng tâm phát triển KH,CN&ĐMST tập trung phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững, bao trùm, đảm bảo quốc phòng và an ninh. Cụ thể, cần tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến của thế giới nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; chủ động xây dựng các giải pháp, công nghệ của Việt Nam để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, ứng phó với các thách thức từ dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh trên, Việt Nam đã ban hành và cập nhật các chính sách phát triển KH,CN&ĐMST cho phát triển bền vững, cụ thể phát triển kinh tế tuần hoàn nhưng thực tiễn đang và sẽ diễn ra nhiều biến đổi khó lường nên việc phải thường xuyên nghiên cứu, đổi mới các chính sách dựa trên kinh nghiệm của các nhà khoa học trong và ngoài nước là rất cần thiết. Do đó, hội thảo này được tổ chức nhằm tạo diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức xã hội của Việt Nam và các nước ASEAN gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chính sách, sáng kiến KH,CN&ĐMST vì sự phát triển bền vững; chia sẻ các bài học từ kinh nghiệm thành công, đề xuất các khuyến nghị nhằm xây dựng và thực thi chính sách KH,CN&ĐMST vì các mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng và mở rộng mạng lưới các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách KH,CN&ĐMST vì sự phát triển bền vững trong khu vực ASEAN; góp phần thúc đẩy xây dựng diễn đàn thường niên chia sẻ kết quả nghiên cứu và xác định các vấn đề mới về chính sách KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển bền vững trong khu vực.
Chuyên gia trình bày tham luận tại hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã bàn luận về các chính sách KH,CN&ĐMST cho tăng trưởng xanh và bao trùm, nền kinh tế sinh học bền vững và nền kinh tế tuần hoàn. Các chuyên gia đã trình bày và chia sẻ các nghiên cứu mới liên quan đến các nội dung như: kết hợp các yếu tố hỗ trợ chính để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành cà phê của Thái Lan; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; phát triển mô hình ươm tạo doanh nghiệp thành mô hình phát triển kinh tế cộng đồng bền vững cho cộng đồng trung tâm y học thảo dược ở Kiringan, Yogyakarta, Indonesia hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững; mô hình cố vấn kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Batik và thủ công mỹ nghệ ở Indonesia: Một nghiên cứu điển hình về các doanh nghiệp vừa và nhỏ Batik và thủ công mỹ nghệ được hỗ trợ bởi Trung tâm Thủ công mỹ nghệ và Batik của Bộ Công nghiệp, Cộng hoà Indonesia; hậu đánh giá nhằm cải thiện chất lượng của quy hoạch hệ thống quản lý chất thải tại Thủ đô mới – Nusantara của Indonesia; phương pháp xác định các ngành công nghiệp mới nổi thâm dụng tri thức tại Việt Nam bằng cách kết hợp lý thuyết phân cụm, phân tích lợi thế cạnh tranh và mức độ sẵn sàng của công nghệ…
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm.
*Liên kết nguồn tin: https://most.gov.vn/vn/tin-tuc/22646/chinh-sach-va-quan-ly-khoa-hoc–cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-trong-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan.aspx
Nguồn MOST