Chiến lược giáo dục Việt Nam: Phải chung dòng chảy với thế giới

Chiều 17/9, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi làm việc với bà Dominique, Viện chiến lược giáo dục của UNESCO, bà Simone Vis, Trưởng Chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam và các thành viên tổ biên tập chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Tại đây, Bộ trưởng cho rằng: Trong chiến lược phát triển quốc gia 10 năm tới, phải hình dung được vai trò của giáo dục. Chúng ta không sợ nhanh hay chậm mà quan trọng phải cùng chung dòng chảy với thế giới.

Đảm bảo tính tổng thể và khả thi

Nêu vấn đề về yêu cầu với khung chiến lược giáo dục Việt Nam 10 năm tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng chiến lược kinh tế – xã hội 2021-2030, tầm nhìn 2045, trong chiến lược phát triển quốc gia có hợp phần phát triển giáo dục, với mục tiêu phát triển con người là trọng tâm. Đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi các mục tiêu của giáo dục thay đổi rất nhanh, vì thế, các chỉ số phát triển giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tới phải hợp lý, chiến lược giáo dục Việt Nam phải không xa lạ với khu vực, thế giới, và phải là một bộ phận của chiến lược phát triển con người toàn cầu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc

Trong chiến lược phát triển quốc gia 10 năm tới, chúng ta phải hình dung được vai trò vị trí của giáo dục nằm ở đâu và trách nhiệm như thế nào. Chúng ta không sợ nhanh hay chậm mà quan trọng phải cùng chung dòng chảy với thế giới. Xu hướng giáo dục quốc tế hiện nay rất mạnh, trong đó, có xu hướng cá thể hóa trong giáo dục. Chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn tới phải đặt trong bối cảnh giáo dục công dân toàn cầu, tính đến sự cạnh tranh quyết liệt của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và phải tính đến việc chuyển giao tri thức không phân biệt quốc gia.

Theo Bộ trưởng, tất cả những yêu cầu về phát triển con người toàn diện và hình thành công dân toàn cầu cần được thể hiện thông qua các chỉ số. Ở mỗi bậc học sẽ có các chỉ số cụ thể, chỉ số thành phần, các chỉ số này cần phải được lựa chọn và phân tích kỹ để đảm bảo tính khả thi. Trong đó lưu ý minh chứng, luận giải các chỉ số, đưa ra các giải pháp để đạt được các chỉ số cũng như xác định rõ nguồn lực thực hiện. Bộ trưởng cho rằng, bản chiến lược này vô cùng quan trọng cho 10 năm tới. Vì vậy, cần phải tính toán đảm bảo các chỉ số mang tính tổng thể và khả thi.

Giới thiệu về khung chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đang được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam xây dựng, PGS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng cho biết, hiện nay tổ biên tập chiến lược này đang triển khai phân tích dữ liệu toàn ngành, để từ đó tiến hành các bước tiếp theo như xác định chính sách chiến lược ưu tiên, phác thảo chương trình, có kế hoạch hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá…

PGS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện KHGDVN giới thiệu về dự thảo chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045

Tổ biên tập cũng đã bước đầu xác định bộ chỉ số các bậc học: mầm non, phổ thông, đại học, thường xuyên. Trong đó bậc học mầm non, phổ thông, đại học sẽ bao gồm các chỉ số về  tiếp cận, chất lượng và điều kiện đảm bảo; giáo dục thường xuyên gồm các chỉ số về xóa mù chữ cơ bản và xóa mù chữ chức năng, nguồn lực phát triển giáo dục thường xuyên.

Theo ông Vinh, một bản chiến lược kế hoạch tốt cần có tầm nhìn, có chiến lược, có tính tổng thể, có căn cứ, có tính khả thi, chú trọng những tồn tại về khoảng cách và bất bình đẳng, đồng thời đặt trong bối cảnh của phát triển kinh tế – xã hội. “Hiện nay, tổ biên tập đang triển khai xây dựng Chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030 dựa trên những yêu cầu căn bản này”.

Thách thức là đảm bảo công bằng trong giáo dục

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chiến lược giáo dục tại buổi làm việc, bà Dominique, chuyên gia Viện chiến lược giáo dục của UNESCO – một người có nhiều năm làm việc và nghiên cứu về giáo dục Việt Nam khi trả lời cho câu hỏi “giáo dục Việt Nam đã làm gì để thành công” – cho rằng, đảm bảo công bằng trong giáo dục là “thương hiệu” của Việt Nam nhưng để duy trì được “thương hiệu” này tới đây sẽ là thách thức.

Bà Dominique, chuyên gia Viện chiến lược giáo dục của UNESCO chia sẻ tại buổi làm việc 

Nhìn nhận về những chỉ số được đưa ra trong dự thảo khung chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, bà Dominique nhận định, đây là một bản tổng hợp những chỉ số hiện hành và các chỉ số mới, về tổng quan đã mang tính toàn diện và tiếp cận các bộ chỉ số quốc tế.

Tuy nhiên, theo bà Dominique, các chỉ số trong chiến lược phát triển giáo dục không chỉ được tính theo tỷ lệ trung bình của cả nước, bởi tới đây Việt Nam sẽ thịnh vượng hơn, khoảng cách giữa các vùng miền sẽ khác nhau, vì vậy, tỷ lệ trung bình của các chỉ số không nói lên điều gì mà phải nhìn nhận các chỉ số này từ từng địa phương, thậm chí từ từng huyện.

Bà Dominique cũng đặt ra câu hỏi về việc thu thập dữ liệu để xây dựng chiến lược, bởi nếu không nắm chắc dữ liệu từ cơ sở và không có đủ người để thu thập dữ liệu thì khó đảm bảo chất lượng nguồn dữ liệu. “Các bạn cần quan tâm giám sát, đánh giá nguồn dữ liệu để có được những chỉ số tốt. Các bạn cũng cần đẩy mạnh hệ thống CNTT, hình thành các trung tâm dữ liệu, từ đó xây dựng một một cơ sở dữ liêu sẵn có giúp chúng ta phân tích được dữ liệu trong một thời gian dài” – Bà Dominique nói.

Là người đang tham gia hỗ trợ cho hoạt động xây dựng chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, bà Simone Vis, Trưởng Chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam cho biết, thời gian qua UNICEF tại Việt Nam đã tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến đánh giá về hoạt động giáo dục của Việt Nam.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi làm việc về chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045

“Từ tháng 6/2019, khi Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua, chúng tôi đã tập trung vào đánh giá những hoạt động của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của Việt Nam, trong đó, tập trung vào giáo dục cho tất cả mọi đối tượng khác nhau, đặc biệt là trẻ em khu vực thiểu số, trẻ em khuyết tật” – Bà Simone Vis chia sẻ.

Đánh giá cao những chỉ số mới được đưa ra trong khung chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, bà Simone Vis cho rằng, Việt Nam đã đi tiên phong trong gắn kết các chỉ số phát triển giáo dục quốc gia với các chỉ số phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo bà Simone Vis, các chỉ số cần thể hiện được bối cảnh của Việt Nam,  có các chỉ số về trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, so sánh vùng miền đô thị, nông thôn. Đặc biệt, cần nghĩ tới các chỉ số về chuyển giao kỹ năng, phát triển kỹ năng, học hỏi kỹ thuật số, công dân toàn cầu, học hỏi về nhận thức cũng như tình cảm.

Tại buổi làm việc, đại diện các vụ, cục, đơn vị chức năng của Bộ GDĐT cũng đã thảo luận đưa ra ý kiến về các chỉ số trong khung chiến lược và đề xuất các yêu cầu với tổ biên tập chiến lược giáo dục Việt Nam. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của chuyên gia quốc tế, các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu tổ biên tập sớm hoàn thiện đề cương chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, trong đó lưu ý đến nguồn dữ liệu phân tích ngành để chốt được hệ thống các chỉ số đảm bảo phản ánh thực chất quá trình phát triển của giáo dục Việt Nam.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục