Startup Việt đã đến lúc… ra gió
Nếu như trước đây, các cuộc thi khởi nghiệp thường dừng lại ở những giải thưởng thiên về vật chất trong nước, năm nay có vẻ các startup Việt đủ lông đủ cánh vươn đến thử thách lớn hơn: ra thế giới.
Nhóm Abivin nhận giải nhất trị giá 1 triệu USD tại Startup World Cup 2019. Ảnh: Abivin.
Những ngày gần đây, cộng đồng khởi nghiệp xôn xao với thông tin công ty startup Abivin giành giải nhất cuộc thi Startup Worldcup 2019 diễn ra tại Mỹ, với phần thưởng lên đến 1 triệu USD. Đây có thể xem là một trong những dấu ấn đáng tự hào nhất của cộng đồng khởi nghiệp Việt, không chỉ vì giá trị của phần thưởng, mà còn vì công ty chuyên về nền tảng công nghệ logistics này đã vượt qua hàng trăm đối thủ mạnh đến từ khắp nơi trên thế giới.
Đã hết sợ… gió
Trao đổi với Thế Giới Hội Nhập, đại diện công ty cho biết: “Trước mắt, Abivin sẽ tập trung cho khu vực ASEAN với các thị trường tiềm năng như Myanmar, Malaysia, Singapore hay Thái Lan, hoặc một số nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Lý do vì phần mềm Abivin vRoute được thiết kế phù hợp các thị trường này, với các đặc điểm như phương tiện vận chuyển bằng xe máy chiếm tỷ lệ lớn, đường sá nhỏ hẹp, nhiều ngõ ngách…”
Từ góc độ tổ chức, có thể thấy những cuộc thi khởi nghiệp của năm 2019 cũng đã gắn kết nhiều yếu tố trong nước với quốc tế. Với cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc dành cho sinh viên – VietChallenge 2019 – các đội mạnh nhất được chọn ra từ hai vòng bán kết khu vực Hà Nội và TP.HCM, sẽ tham gia tranh tài tại vòng chung kết khu vực, diễn ra vào ngày 28/6 tại Hà Nội. Hành trình tiếp theo của các đội sẽ là thành phố Boston, bang Massachusetts, Hoa Kỳ, cái nôi của học thuật, công nghệ và khởi nghiệp của toàn thế giới. Đêm chung kết VietChallenge diễn ra vào tháng 9/2019.
Không chỉ có những cuộc thi khởi nghiệp nhấn mạnh đến yếu tố công nghệ và công nghiệp 4.0, năm nay, cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp 2019 do trung tâm BSA phối hợp cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cũng mang lại nhiều giá trị quốc tế cho thí sinh. Bà Vũ Kim Anh, thành viên ban tổ chức cuộc thi, cho biết: “Một nét mới của cuộc thi năm nay, đó là mười suất học bổng dành cho các nhóm đoạt giải nhất, nhì, ba và cho dự án được đánh giá cao khác. Các nhóm sẽ được tham gia chương trình huấn luyện đào tạo chuyên sâu trong vòng 3 – 5 tháng, nhằm tăng tốc dự án khởi nghiệp tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ, nâng cao năng lực, phát triển dự án tiếp cận nhà đầu tư trong và ngoài ngước, thương mại hoá sản phẩm thành công. Từ đó, chúng tôi hy vọng sẽ đào tạo thành công 2 – 3 dự án có sản phẩm tiềm năng, phù hợp được tham gia hội chợ Nông sản quốc tế tổ chức thường kỳ tại Thái Lan vào năm 2020”.
Có vẻ như sau vài năm trào lưu startup lan rộng khắp cả nước, cả ban tổ chức các cuộc thi lớn lẫn các nhóm khởi nghiệp Việt đều đã hết e ngại… ra gió, sẵn sàng dong buồm ra biển lớn.
Lạc quan trong thận trọng
Trong buổi trò chuyện do câu lạc bộ cựu sinh viên Harvard Việt Nam và đại học Fulbright Việt Nam đồng tổ chức, với chủ đề “Tư duy toàn cầu, hành động địa phương”, có hai vị khách mời đặc biệt đã chia sẻ về con đường khởi nghiệp của mình từ khi tốt nghiệp MBA Harvard hơn 25 năm trước. Đó là chị Đinh Thị Hoa và anh Trần Vũ Hoài, hai nhà đồng sáng lập công ty Galaxy, một trong những công ty kinh doanh phim ảnh, truyền thông có ảnh hưởng nhất thị trường hiện nay.
Chia sẻ với các bạn trẻ đang háo hức khởi nghiệp, nữ chủ tịch Galaxy cười, nói: “Startup không nên mơ mộng khi nghĩ rằng mình khởi tạo doanh nghiệp để tạo ra giá trị cho xã hội. Tôi tin rằng nếu chúng tôi cũng nghĩ như vậy, có lẽ Galaxy đã không tồn tại được đến hôm nay. Các doanh nhân thường sẽ chú trọng đến việc làm sao để kiếm ra tiền, tạo ra một cỗ máy tạo dòng tiền bền vững và phát triển.Vào bước đầu của doanh nghiệp, điều đó nên được ưu tiên hàng đầu”.
Anh Trần Vũ Hoài bổ sung: “Trong thời gian qua, tôi gặp gỡ và tiếp xúc nhiều với các startup. Theo tôi thấy, 90% các nhóm đều hơi thiếu thực tế. Các bạn có một tầm nhìn rộng lớn, mong muốn scale up (phát triển nhảy vọt) rất nhiều, nhưng điều gì nằm ở giữa bước khởi đầu và giai đoạn lớn mạnh thì các bạn còn… lơ mơ, thậm chí hoàn toàn không biết về cách quản trị nguồn lực hay tài chính. Đôi khi tôi cũng mong các bạn đừng nghĩ quá nhiều vể cách mạng 4.0, các công nghệ mới chỉ là phương tiện.Trước hết, các bạn hãy tạo ra những công ty thoả mãn nhu cầu của người dùng”.
Nhìn lại quá trình khởi nghiệp 25 năm qua, từ khi gầy dựng Galaxy đến nay, anh Hoài chia sẻ: “Điều quý giá nhất khi khởi nghiệp hoặc kinh doanh nói chung từ partner (cộng sự), đó là tình bạn. Các bạn cần trải qua rất nhiều thăng trầm để hiểu được những giá trị cốt lõi của đối tác, của cộng sự, và từ đó mới có tình bạn trong kinh doanh. Tôi đúc kết ra rằng, phải trên 90% giống nhau về các giá trị thì mới đi chung với nhau lâu dài và thành công được”.
“Thế giới bây giờ tinh tế và sâu sắc hơn ngày xưa nhiều lắm, nên các bạn trẻ cũng có nhiều cơ hội hơn, nhiều kiến thức hơn để tạo lập những mô hình kinh doanh mới, và hãy mạnh dạn chỉnh sửa nếu thấy mình đang mắc sai lầm” – chị Đinh Thị Hoa, đồng sáng lập công ty Galaxy.
Nguồn Tia sáng – Ấn phẩm báo Khoa học và Phát triển