Sáng tạo không phải là độc quyền của người trẻ

Nếu tin rằng các nhà khoa học xuất sắc đều đạt tới trạng thái sáng tạo nhất khi họ còn trẻ thì bạn đã nhầm lẫn. Một nghiên cứu mới về những người thắng giải Nobel trong kinh tế đã cho thấy có hai vòng đời sáng tạo khác nhau, một là do một số người ở giai đoạn đầu sự nghiệp và một là do những người trong giai đoạn sau của sự nghiệp.

Hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel 2018 William Nordhaus và Paul Romer. Nguồn: Nobal Prize

Ở nghiên cứu này, một giai đoạn đỉnh cao trong nghiên cứu của những nhà khoa học đoạt giải là vào những năm ngoài 20 tuổi và đỉnh khác là giai đoạn những năm ngoài 50 tuổi. Nghiên cứu này cũng ủng hộ phát hiện của các nghiên cứu của trước, vốn tìm thấy những mẫu hình tương tự trong nghệ thuật và các ngành khoa học khác, ví dụ nghiên cứu của giáo sư kinh tế Bruce Weinberg (trường đại học Ohio) và Benjamin Jones (trường đại học Northwestern) trên PNAS năm 2011 khi phân tích dữ liệu về 525 giải Nobel được trao từ năm 1901 đến năm 2008 trong ba lĩnh vực – 182 trong vật lý, 153 trong hóa học và 190 trong y sinh để xác định thời kỳ các nhà khoa học thực hiện các công trình giúp họ đoạt giải.

“Chúng tôi tin rằng những gì mình tìm thấy trong nghiên cứu này không chỉ giới hạn với kinh tế mà còn có thể ứng dụng vào những ngành nghiên cứu khác”, Bruce Weinberg – tác giả chính của nghiên cứu cho biết. “Nhiều người vẫn tin tưởng rằng sáng tạo là ‘độc quyền” của giới trẻ nhưng thực tế là nó còn gắn với từng loại sáng tạo nữa”.

Ông đã thực hiện nghiên cứu này cùng với giáo sư kinh tế David Galenson (trường đại học Chicago) và xuất bản trên tạp chí De Economist.

Trong nghiên cứu, họ đã chỉ ra, những người thắng giải Nobel và là tác giả của những công trình nghiên cứu đặt nền tảng cho đột phá ở giai đoạn đầu trong sự nghiệp nghiên cứu có xu hướng thành những người đổi mới sáng tạo về nhận thức. Kiểu các nhà sáng tạo “vượt ngoài khuôn khổ truyền thống” (think outside the box) thách thức sự từng trải, hiểu biết thông thường và có xu hướng đón nhận những ý tưởng đến một cách đột ngột. Các nhà đổi mới trong nhận thức hay “tóm” được nó trong giai đoạn đầu sự nghiệp, trước khi họ “thuộc lòng” các lý thuyết đã được chấp nhận rộng rãi trong lĩnh vực này, Weinberg nói.

Nhưng vẫn còn một dạng khác của sáng tạo, ông cho biết, vốn được hình thành trong những nhà đổi mới “dựa trên kinh nghiệm”. Đó là những người tích lũy được hiểu biết thông qua quá trình nghiên cứu và tìm thấy các cách mang tính đột phá để phân tích, giải thích và tổng hợp để đem lại những cách hiểu mới. Những đổi mới sáng tạo mang tính thực nghiệm này cần các quá trình thử và sai lâu dài, vì thế chung có xu hướng xuất hiện vào giai đoạn cuối sự nghiệp của một nhà khoa học đoạt giải Nobel. “Việc anh có được sự sáng tạo trong giai đoạn đầu hay cuối của sự nghiệp phụ thuộc vào việc anh có cách tiếp cận về ý tưởng hay thực nghiệm”, Weinberg nhận xét.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một cách tiếp cận kinh nghiệm mới cho nghiên cứu này. Với 31 nhà khoa học đoạt giải Nobel về kinh tế, họ đã sắp xếp vào một danh sách, từ những người thuộc “phe kinh nghiệm” và “phe ý tưởng”, dựa trên các đặc điểm công trình của những nhà khoa học đoạt giải.  Ví dụ, các nhà kinh tế thuộc “phe ý tưởng” có xu hướng sử dụng các giả định, bằng chứng và phương trình và phần phụ lục toán học trong bài báo của họ, còn các nhà kinh tế thuộc “phe kinh nghiệm” chỉ phụ thuộc vào các kết luận trực tiếp từ thực tế, vì vậy các công trình của họ có xu hướng liên quan đến các mục đặc biệt như nơi chốn, thời kỳ, các ngành công nghiệp hay hàng hóa.

Sau khi phân loại các nhà khoa học đoạt giải, hai nhà nghiên cứu xác định tuổi tác vào thời điểm họ làm ra các công trình nghiên cứu quan trọng nhất và có thể được coi là đỉnh cao sáng tạo của họ.

Họ đã làm được điều này thông qua việc áp dụng một quy ước về việc các nhà nghiên cứu đánh giá giá trị và tầm ảnh hưởng của một công trình nghiên cứu. Một bài báo được coi là nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực của nó khi được nhiều nhà khoa học khác thảo luận hoặc trích dẫn bài báo trong công trình của mình. Vì vậy có nhiều trích dẫn hơn thì bài báo có nhiều ảnh hưởng hơn.

Weinberg và Galenson sử dụng hi phương pháp để tính toán ở độ tuổi nào những người đoạt giải Nobel được trích dẫn thường xuyên nhất và thời điểm nào và do đó là đỉnh cao sáng tạo của họ.

Hai phương pháp này tìm thấy thời điểm các nhà nghiên cứu thuộc “phe ý tưởng” đạt tới đỉnh cao là 25 hoặc 29 tuổi còn những nhà nghiên cứu thuộc “phe kinh nghiệm” là tầm 57 tuổi hoặc trong quãng 50 tuổi.

Phần lớn các nghiên cứu khác trong lĩnh vực này đều tìm hiểu những khác biệt trong các độ tuổi đạt tới đỉnh cao sáng tạo giữa các lĩnh vực như vật lý với y học. Những nghiên cứu này về tổng thể đều tìm thấy những khác biệt nhỏ giữa các lĩnh vực, với sự đỉnh sáng tạo trong thời kỳ các nhà khoa học ở độ tuổi 30 hoặc đầu những năm tuổi 40 trong phần lớn các lĩnh vực.

“Những nghiên cứu đó đều quy những khác biệt trong các đỉnh cao sáng tạo tới bản chất tự nhiên của các lĩnh vực khoa học, không phải chính bản thân các nhà khoa học đang làm các nghiên cứu”, Weinberg nói.

“Nghiên cứu của chúng tôi nêu thời điểm sáng tạo nhất không hẳn là kết quả nghiên cứu mà là cách nhà khoa học thực hiện nghiên cứu đó”.

Phương Thanh dịch

Nguồn Tia sáng – Ấn phẩm báo Khoa học và Phát triển