Đổi mới cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ: Động lực phát triển
Theo đánh giá chung của các đơn vị thuộc ngành Công Thương, từ sau khi ban hành Luật KH&CN năm 2013 với nhiều đột phá, bước đầu mang lại niềm hy vọng, động lực cho giới trí thức, giới nghiên cứu và quản lý KH&CN của cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng.
Đổi mới cơ chế, chính sách tạo động lực cho các nhà khoa học yên tâm sáng tạo |
Cụ thể, với những chính sách như: Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng thành tựu KH&CN tiên tiến và hiện đại, nghiên cứu làm chủ và tạo ra công nghệ mới nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của sản phẩm; tạo điều kiện phát triển thị trường KH&CN; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp (DN) đầu tư cho hoạt động KH&CN, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ… tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho DN tiếp cận, ứng dụng và chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, góp phần đáp ứng mục tiêu phát triển của ngành và của đơn vị.
Các văn bản quy phạm pháp luật theo đó, đã định hướng, quy định cụ thể và chi tiết hơn. Việc lập kế hoạch, đề xuất các nhiệm vụ KH&CN, dự toán kinh phí, phê duyệt các nhiệm vụ, cấp phát kinh phí được kịp thời, linh động và chủ động hơn. Đồng thời, khuyến khích các DN đẩy mạnh hoạt động KH&CN, gắn nghiên cứu KH&CN với sản xuất; tạo động lực cho các nhà khoa học yên tâm làm việc, sáng tạo và cống hiến. Hơn nữa, hệ thống văn bản hướng dẫn Luật từng bước được xây dựng, ban hành đã phần nào thể hiện được tinh thần đổi mới của Luật, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy các hoạt động KH&CN của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Đặc biệt, ngay sau khi Luật KH&CN 2013 có hiệu lực thi hành, Bộ Công Thương đã khẩn trương tổ chức quán triệt các nội dung của Luật đến tất cả các tổ chức KH&CN thuộc Bộ thông qua các hội thảo và văn bản hướng dẫn.
Bộ Công Thương đã ban hành Chiến lược phát triển KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020, trong đó nhấn mạnh: KH&CN là động lực then chốt để phát triển bền vững ngành Công Thương; các hoạt động KH&CN đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chiến lược đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ phát triển KH&CN của ngành Công Thương đến năm 2020: Hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý và thông tin KH&CN; nâng cao năng lực nghiên cứu KH&CN; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành Công Thương; đẩy mạnh hoạt động thông tin, thống kê KH&CN, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và sở hữu trí tuệ.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược gắn với chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đơn vị trong giai đoạn 2011-2020. Các nội dung của chiến lược đã được các đơn vị, tổ chức KH&CN trong ngành Công Thương cụ thể hóa trong các nhiệm vụ KH&CN hàng năm.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã khẩn trương tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách KH&CN cho phù hợp với thực tế, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN. |
Nguồn Diễn đàn Công thương