Tổ chức khóa bồi dưỡng Kỹ năng bổ trợ dành cho cán bộ nghiên cứu tại Đà Nẵng
Ngày 03/6/2019 tại Đà Nẵng, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã phối hợp với Hội đồng Anh và chuyên gia Đại học Coventry, Vương quốc Anh tổ chức Khóa bồi dưỡng “Kỹ năng bổ trợ dành cho cán bộ nghiên cứu” dựa trên khung năng lực nghiên cứu chuẩn (Research Development Framework: RDF) trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Việt Nam cho phát triển bền vững”.
Đến dự Lễ khai giảng khóa học, về phía Hội đồng Anh có Bà Nguyễn Thu Giang – Quản lý chương trình giáo dục; về phía Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (VISTI) có TS. Nguyễn Ngọc Song – Phó Giám đốc Học viện, TS. Trần Quang Huy -Trưởng phòng Đào tạo, bồi dưỡng, Ban Quản lý khoa học và đào tạo, cùng toàn thể Ban tổ chức khóa bồi dưỡng.
Sau thành công của khóa học đầu tiên tại Hà Nội (27-31/5/2019), đây là khóa bồi dưỡng thứ 2 trong một chuỗi các khóa đào tạo cho cán bộ nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp của Việt Nam sẽ triển khai trong năm 2019. Khóa học được thiết kế trên cơ sở tham khảo khung năng lực phát triển cán bộ nghiên cứu (RDF) của Vương quốc Anh và thực tiễn nhu cầu đào tạo của Việt Nam, được giảng dạy bởi các chuyên gia Đại học Coventry, Vương quốc Anh từ ngày 03/6/2019 đến ngày 07/6/2019 tại Đà Nẵng. Khóa học nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng nghiên cứu cũng như thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Học viên là các cán bộ nghiên cứu đến từ nhiều Trường đại học, Viện nghiên cứu gồm Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Duy Tân, Trường ĐH Khánh Hòa, Trường Cao đẳng công nghiệp Huế, Đại học Huế, Viện Công nghệ môi trường, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên,…
Theo chương trình, học viên sẽ được đào tạo 08 hợp phần (modules) liên quan tới các kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho các cán bộ nghiên cứu, như: 1. Các chỉ số đánh giá chất lượng nghiên cứu; 2. Kỹ năng viết và đăng bài báo chất lượng cao; 3. Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình trong nhóm nghiên cứu và với doanh nghiệp; 4. Kỹ năng viết đề xuất cho các dự án nghiên cứu; 5. Quản lý dự án nghiên cứu; 6. Chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp; 7. Quyền sở hữu trí tuệ; và 8. Lập kế hoạch phát triển nghề nghiên cứu.
Thông qua việc truyền đạt kiến thức, thảo luận và các bài tập tình huống thực tế, khóa học hứa hẹn sẽ cung cấp cho học viên các kiến thức, kỹ năng nâng cao năng lực nghiên cứu. Các học viên sẽ có cơ hội chia sẻ những kết quả nghiên cứu của mình tại lớp học với mục đích rèn luyện kỹ năng làm việc trong nhóm nghiên cứu cũng như khả năng phối hợp làm việc với các doanh nghiệp tốt hơn để chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn./.
Nguồn: VISTI